Bên cạnh những lợi ích khi sử dụng đúng cách, tác hại của whey protein vẫn khiến nhiều người phải “dè chừng”. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết sau đây nhé!
Được biết đến là 1 thực phẩm bổ sung giúp tăng cơ giảm mỡ, tuy nhiên những tác hại của Whey Protein khi sử dụng quá mức sẽ ảnh hưởng không tốt tới, gan, thận, thậm chí làm loãng xương. Nguy cơ này còn tăng lên nếu bạn không bổ sung đủ lượng carb. Vậy tác hại của Whey là gì?
1. Về Whey Protein
Whey Protein là một loại thực phẩm bổ sung có thành phần chính từ váng sữa - chất lỏng tách ra trong quá trình làm phô mai. Sau đó váng sữa sẽ trải qua quá trình lọc, tinh chế và sấy khô thành bột đạm whey. Sản phẩm này đặc biệt thích hợp với những người thường xuyên tập thể hình
Có ba loại Whey Protein chính, bao gồm:
- Whey Protein concentrate (chứa khoảng 70 – 80% Protein): Đây là loại Whey protein phổ biến nhất chứa nhiều đường sữa (lactose), chất béo và khoáng chất từ sữa.
- Whey Protein Isolate (chứa khoảng 90% protein trở lên): Được tinh chế ít đường và chất béo, đồng thời cũng chứa ít khoáng chất tốt cho sức khỏe hơn.
- Whey Protein thủy phân (hydrolysate): Sản xuất trên nguyên lý làm nóng thêm với axit hoặc enzyme, dạng whey này đã được xử lý tinh chế để cơ thể hấp thụ nhanh hơn.
Ngoài đối tượng là các Gymer, Whey Protein cũng trở thành lựa chọn quen thuộc của vận động viên, người đam mê thể dục hoặc muốn xây dựng cơ bắp hay giảm cân. Quá trình nghiên cứu cho thấy, sản phẩm này giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn sau khi luyện tập, tăng cơ bắp và cải thiện sức mạnh, giảm cân nhờ hạn chế sự thèm ăn và tăng trao đổi chất.
Đây cũng là một nguồn protein hoàn chỉnh, chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được.
Whey Protenin là thực phẩm bổ sung chất đạm
2. Những tác hại khi sử dụng Whey Protein
Trước tiên bạn cần hiểu rõ, Whey không phải thuốc tăng cơ hay chất kích thích mà nó chỉ là thực phẩm bổ sung dạng bột sữa với hàm lượng đạm tinh khiết cao, đã trải qua quá trình loại bỏ rất nhiều tạp chất, có khả năng hấp thụ nhanh vào cơ. Về bản chất Whey Protein tương tự như đạm từ thịt, cá mà bạn vẫn ăn mỗi ngày. Do đó bạn cần sử dụng đúng liều lượng, đặc biệt nó không thể thay thế bữa ăn chính với đa dạng các chất dinh dưỡng khác.
Nếu dùng quá nhiều Whey trong thời gian dài có thể gây đau đầu, gút, táo bón, ảnh hưởng tiêu cực đến thận. Để hạn chế những tác dụng phụ này, cần dùng đúng, đủ liều liều lượng in trên bao bì.
Có rất nhiều ý kiến đưa ra về tác hại của whey protein nhưng không phải ý nào cũng đúng. Hãy cùng phân tích từng vấn đề nhé!
2.1. Uống whey có hại thận không?
Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi, xuất hiện các ý kiến trái chiều. Như chúng ta đã biết, 1 bữa ăn cung cấp quá nhiều đạm sẽ gây áp lực bên trong thận, buộc chúng phải lọc máu nhiều hơn. Mặc dù vậy điều này không đồng nghĩa với việc bữa ăn nhiều đạm sẽ gây hại tới thận.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, đạm không ảnh hưởng tiêu cực đến thận của những người khỏe mạnh. Tình trạng chỉ trầm trọng hơn ở bệnh nhân sỏi thận hoặc mắc các vấn đề liên quan, khiến thận càng suy yếu khi uống nhiều đạm. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Người bị sỏi thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Whey
2.2. Uống Whey bị táo bón?
Với một số người bị dị ứng lactose (đường sữa có trong Whey) có thể bị táo bón. Tuy nhiên nguyên nhân phổ biến gây táo bón là do bạn ăn ít trái cây, rau xanh hay uống ít nước, có nghĩa là Whey gần như ít gây vấn đề này.
Nếu bạn vẫn nghi ngờ tình trạng táo bón của mình là do Whey Protein gây ra, hãy thử kiểm tra lại xem mình đã uống đủ lượng nước, bổ sung đủ rau củ quả theo nhu cầu cơ thể mỗi ngày hay chưa? Hàm lượng lớn chất xơ dễ tiêu hóa trong rau củ sẽ giúp cơ thể dễ dàng đào thải chất thải.
Tại sao không nên thay thế Whey bằng các chất đạm khác trong bữa ăn hàng ngày? Lý do là vì nó có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Tất cả các thực phẩm đều tốt cho sức khỏe, đặc biệt rau xanh và trái cây giàu dưỡng chất, ngoài ra còn chứa vô số các loại khoáng chất thiết yếu. Do đó điều quan trọng là bạn cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng trong khi uống Whey.
>> Xem thêm: Không tập Gym có nên uống Whey? Khi sử dụng Whey lưu ý gì?
2.3. Uống Whey hại gan?
Tương tự 2 trường hợp trên, không có cơ sở khoa học chứng minh việc nạp quá nhiều Protein sẽ gây hại lá gan ở những người khỏe mạnh. Ngược lại, gan cần Protein để tự sửa chữa và chuyển hóa chất béo thành lipoprotein (những phân tử giúp loại bỏ chất béo khỏi gan).
Nạp 1 lượng lớn protein vào cơ thể lại gây hại cho các đối tượng mắc bệnh liên quan, chẳng hạn xơ gan. Gan giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố trong máu. Lá gan của người xơ gan không hoạt động tốt, điều này càng trở nên tồi tệ khi nó không có khả năng loại bỏ lượng Protein dư thừa quá nhiều.
Tóm lại, 1 chế độ ăn giàu protein (2.2g/trọng lượng cơ thể) sẽ không gây bất cứ tổn thương nào cho gan ở những người khỏe mạnh. Trong trường hợp mắc các vấn đề về gan, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng protein bạn được phép tiêu thụ hay sử dụng thực phẩm bổ sung.
2.4. Uống nhiều Whey có thể gây loãng xương?
Thực chất khi ăn quá nhiều Protein mà không tăng lượng trái cây hay rau củ sẽ khiến lượng canxi bị hao hụt nhiều hơn qua đường nước tiểu. Điều này dẫn đến lầm tưởng ăn hoặc uống Protein gây loãng xương.
Không có cơ sở nào để khẳng định, ngược lại thiếu Protein mới dẫn đến loãng xương. Ngoài khoáng chất, một tỉ lệ đáng kể trong xương chính là Protein, đặc biệt Protein dưới dạng Collagen.
Tương tự cơ bắp, xương là loại mô hoạt động liên tục, bị phá vỡ rồi lại được xây dựng lại. Do đó ăn nhiều Protein sẽ giúp cải thiện mật độ xương ở những đối tượng có nguy cơ loãng xương cao nhất. Hiệu quả này còn tăng lên gấp đôi khi bạn kết hợp chơi thể thao thường xuyên.
Nói tóm lại, bổ sung Whey Protein đúng cách không những không gây loãng xương mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng này. Bên cạnh đó một vài cuộc nghiên cứu đều khuyến nghị những người cao tuổi có nguy cơ loãng xương nên ăn nhiều đạm để xây dựng cấu trúc xương chắc khỏe.
Uống Whey đúng cách không bị loãng xương
2.5. Uống Whey nhiều bị Gout đúng hay sai?
Trước tiên cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh Gout. Đây là dạng viêm khớp xuất phát từ 1 lỗi bẩm sinh trong quá trình chuyển hóa chất thải axit uric của cơ thể. Axit uric dư thừa sẽ lưu thông trong máu và hình thành các tinh thể trong hoặc xung quanh khớp gây viêm, sưng tấy hay đau đớn.
Nồng độ axit uric tăng cao chủ yếu do nguyên nhân nguyên phát chẳng hạn di truyền, cơ địa, thứ phát là từ thói quen ăn uống, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu purin như gan, một số loại đậu, cá cơm và nấm.
Bệnh gout do thói quen dinh dưỡng hoặc di truyền gây nên
2.6. Whey làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim?
Chưa có bất kỳ thông tin chính thống nào chứng minh điều này. Không những thế, Whey được cho là có khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim hay đột quỵ. Cụ thế, đây là thực phẩm bổ sung giúp giảm Cholesterol “xấu” LDL, điều chỉnh huyết áp đồng thời tăng cường lưu thông máu đến tim.
Trên thực tế, một chế độ ăn thiên về Protein, tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành (70% đối với nam và 37% với nữ). Trong đó, Protein từ thực vật không liên quan đến nguy cơ này.
Mặc dù vậy đây cũng chỉ là giả thiết, “có liên quan” chứ chưa thể khẳng định cái này là nguyên nhân của cái kia. Do vậy, Whey không khiến bạn bị bệnh tim. Nhưng với những người mắc bệnh tim mạch thì vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
2.7. Uống Whey gây dị ứng?
Whey protein là sản phẩm từ sữa, do đó những người bị dị ứng với sữa bò cũng có thể dị ứng với đạm whey. Tuy nhiên, tình trạng này rất hiếm gặp ở người lớn. Thậm chí khi được 3 tuổi, có tới 90% số trẻ dị ứng sữa bò tự động khỏi bệnh.
Cần phân biệt rõ tình trạng dị ứng với whey protein và hội chứng không dung nạp đường sữa. Dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng miễn dịch với protein. Trong khi đó, không dung nạp chỉ là do sự thiếu hụt enzyme.
Đối tượng dị ứng với sữa nên thận trọng khi sử dụng Whey
3. Những lưu ý khi sử dụng Whey protein
Đến đây chắc hẳn các bạn đã biết uống whey có hại không. Ngoài ra để mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình sử dụng, các bạn cần lưu ý vài điều sau:
Nhìn chung tiêu thụ whey protein tương tối an toàn và không gây tác dụng phụ. Liều lượng khuyến nghị từ 1 - 2 muỗng (25 - 50 gram)/ngày, nhưng tốt hơn hết bạn nên làm theo hướng dẫn trên bao bì. Sử dụng whey protein nhiều hơn mức khuyến cáo không mang lại nhiều lợi ích hơn, đặc biệt là khi bạn đã biết cách xây dựng chế độ ăn đủ chất đạm.
Nếu bạn gặp các triệu chứng không mong muốn như: chướng bụng, đầy hơi, chuột rút hoặc tiêu chảy,... sau khi uống Whey Protein, hãy chuyển sang sử dụng loại bột protein không sữa, chẳng hạn bột đậu nành, đậu, trứng, gạo hoặc gai dầu.
Whey Protein là một trong những chất bổ sung lành mạnh, an toàn với hầu hết các đối tượng, giúp tăng cường sức mạnh và xây dựng cơ bắp hoặc giảm cân. Tuy nhiên, tác hại của whey chủ yếu là vấn đề tiêu hóa ở người không dung nạp lactose và phản ứng dị ứng ở trẻ dị ứng với sữa bò. Nếu bạn gặp triệu chứng bất thường, hãy ngưng sử dụng đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ.
>> Chia sẻ: Cách pha Whey đúng cách cho các Gymer sử dụng tốt nhất
4. Tổng kết
Đừng quá lo lắng về những tác hại của Whey Protein, thay vào đó bạn hãy bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất béo, tinh bột, chất xơ cũng như Vitamin để tăng cường sức khỏe toàn diện. Bên cạnh đó cần tìm hiểu liều lượng protein cơ thể cần mỗi ngày nhằm mang đến hiệu quả tốt nhất khi sử dụng bạn nhé. Xin chào và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của Thiên Trường Sport.
Đọc thêm ▾